`

 

PVLC Tuần Bát Nhật Giáng Sinh - Ngày 29-12 Thứ Tư và Thánh Toma Becket cùng ngày


Bài Ðọc I: 1 Ga 2, 3-11

"Ai thương yêu anh em mình thì ở trong sự sáng".

Trích thư thứ nhất của Thánh Gioan Tông đồ.

Các con thân mến, chính nơi điều này mà chúng ta biết rõ được là chúng ta biết Chúa Giêsu, nếu chúng ta giữ các giới răn Người. Ai nói mình biết Người, mà không giữ giới răn Người, là kẻ nói dối, và nơi người ấy không có chân lý. Còn ai giữ lời Người, thì quả thật tình yêu của Thiên Chúa đã tuyệt hảo nơi người ấy, và nhờ điều đó mà chúng ta biết được chúng ta ở trong Người. Ai nói mình ở trong Người, thì phải sống như Người đã sống.

Các con thân mến, đây không phải là một giới răn mới mà cha viết cho các con, nhưng là giới răn cũ các con đã có từ ban đầu. Giới răn cũ đó, là lời các con đã nghe rồi. Nhưng đây cha lại viết cho các con một điều răn mới, là điều chân thật nơi Người và nơi các con, vì tối tăm đang qua đi, và sự sáng đã soi đến rồi.

Ai nói mình ở trong sự sáng, mà lại ghét anh em mình, thì vẫn còn ở trong tối tăm. Ai thương yêu anh em mình, thì ở trong sự sáng, và nơi người ấy không có cớ vấp phạm. Còn ai ghét anh em mình, thì ở trong tối tăm, đi trong tối tăm và không biết mình đi đâu, vì tối tăm đã làm mù mắt họ.

Ðó là lời Chúa.

 

Ðáp Ca: Tv 95, 1-2a. 2b-3. 5-6

Ðáp: Trời xanh hãy vui mừng và địa cầu hãy hân hoan (c. 11a).

Xướng: 1) Hãy ca mừng Thiên Chúa bài ca mới. Hãy ca mừng Thiên Chúa, hỡi toàn thể địa cầu. Hãy ca mừng Thiên Chúa, hãy chúc tụng danh Người. - Ðáp.

2) Ngày ngày hãy loan truyền ơn Người cứu độ. Hãy tường thuật vinh quang Chúa giữa chư dân, và phép lạ Người ở nơi vạn quốc. - Ðáp.

3) Vì mọi chúa tể của chư dân là hư ảo, nhưng Thiên Chúa đã tác tạo trời xanh. Sáng láng và oai nghiêm toả trước thiên nhan, uy hùng và tráng lệ phủ trên ngai báu. - Ðáp. 

Alleluia:

Alleluia, alleluia! - Ngôi Lời đã hoá thành nhục thể và đã cư ngụ giữa chúng ta. Những ai tiếp nhận Người, thì Người ban cho họ được quyền làm con Thiên Chúa. - Alleluia.

Phúc Âm: Lc 2, 22-35

"Ánh sáng đã chiếu soi các lương dân".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi mãn thời hạn thanh tẩy theo Luật Môsê, ông bà đem Chúa Giêsu lên thành Giêrusalem, để dâng cho Chúa, như đã viết trong lề luật Chúa rằng: "Mọi con trai đầu lòng sẽ được gọi là của thánh, dâng cho Thiên Chúa", và việc dâng lễ vật như đã nói trong lề luật Chúa là "một cặp chim gáy, hoặc hai bồ câu con".

Và lúc đó tại Giêrusalem có một người tên là Simêon, là người công chính và có lòng kính sợ, đang mong đợi niềm an ủi Israel, có Thánh Thần ở trong ông. Ông được Thánh Thần mách bảo là sẽ không thấy giờ chết đến, trước khi thấy Ðấng Kitô của Chúa. Ðược Thánh Thần thúc giục, ông vào đền thờ. Khi cha mẹ bồng trẻ Giêsu đến để thi hành cho Người các nghi thức theo luật dạy, thì ông ẵm lấy Người trên cánh tay mình, và chúc tụng Thiên Chúa rằng:

"Lạy Chúa, bây giờ Chúa để cho tôi tớ Chúa đi bình an, theo như lời Chúa. Vì chính mắt con đã thấy ơn cứu độ mà Chúa đã sắm sẵn trước mặt muôn dân, là ánh sáng đã chiếu soi các lương dân, và vinh quang của Israel dân Chúa".

Cha mẹ Người đều kinh ngạc về những điều đã nói về Người. Simêon chúc lành cho hai ông bà, và nói với Maria mẹ Người rằng: "Ðây trẻ này được đặt lên, khiến cho nhiều người trong Israel phải sụp đổ hay được đứng dậy, và cũng để làm mục tiêu cho người ta chống đối. Về phần bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thấu tâm hồn bà, để tâm tư nhiều tâm hồn được biểu lộ".

Ðó là lời Chúa.


Suy niệm
 

Emmanuel Muôn Dân     

Sau 3 lễ được Giáo Hội cố ý sắp xếp ngay sau Đại Lễ Giáng Sinh là Lễ Thánh Stephanô 26/12, Lễ Thánh Gioan Tông Đồ 27/12 và Lễ Các Thánh Anh Hài 28/12, thì đến các ngày còn lại trong Tuần Bát Nhật Giáng Sinh, bao gồm cả Lễ Mẹ Thiên Chúa là ngày cuối cùng của Tuần Bát Nhật Giáng Sinh theo phụng niên của Giáo Hội cũng là ngày mở màn cho một năm mới của trần gian. 

Bài Phúc Âm hôm nay cũng chính là bài Phúc Âm cho Lễ Chúa Giêsu được hiến dâng trong đền thờ ngày 2 thánh 2 hằng năm, thời điểm sau 40 ngày Người được hạ sinh. Tuy nhiên, bài Phúc Âm này vẫn được Giáo Hội chọn đọc cho ngày 29/12 hôm nay trong Tuần Bát Nhật Giáng Sinh có một ý nghĩa khác, không phải là ý nghĩa về biến cố hiến dâng mà là ý nghĩa về mầu nhiệm giáng sinh.  

Thật vậy, bài Phúc Âm hôm nay được trích từ Phúc Âm Thánh Luca 2:22-35, không bao gồm câu 21 ngay trước đó, câu cũng ở ngay sau đoạn Phúc Âm Lễ Rạng Đông Giáng Sinh (Luca 2:15-20) về sự kiện các mục đồng đến thăm Hài Nhi Giêsu, đó là câu: "Khi Hài Nhi được đủ tám ngày, nghĩa là đến lúc phải làm lễ cắt bì, người ta đặt tên cho Hài Nhi là Giê-su; đó là tên mà sứ thần đã đặt cho Người trước khi Người được thụ thai trong lòng mẹ". 

Bởi vì câu Phúc Âm về biến cố cắt bì này không thích hợp với ý nghĩa của ngày 29/12 trong Tuần Bát Nhật Giáng Sinh hôm nay. Nhưng nguyên bài Phúc Âm hôm nay về biến cố hiến dâng sau 40 ngày lại thích hợp với mầu nhiệm Giáng Sinh. Là vì trong bài Phúc Âm này, ở đoạn cuối, có hai câu liên quan đến chính bản thân của Hài Nhi Giêsu, cũng như liên quan đến cả thân phận Mẹ của Người nữa:  

"Vì chính mắt con đã thấy ơn cứu độ mà Chúa đã sắm sẵn trước mặt muôn dân, là ánh sáng đã chiếu soi các lương dân, và vinh quang của Israel dân Chúa... Ðây trẻ này được đặt lên, khiến cho nhiều người trong Israel phải sụp đổ hay được đứng dậy, và cũng để làm mục tiêu cho người ta chống đối. Về phần bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thấu tâm hồn bà, để tâm tư nhiều tâm hồn được biểu lộ". 

Đúng thế, bài Phúc Âm hôm nay, 29/12, chất chứa hai câu Phúc Âm then chốt này là bài Phúc Âm ngay sau Lễ Các Thánh Anh Hài, một lễ không phải chỉ tưởng kính các hài nhi Belem đã chết thay và chết vì Hài Nhi Giêsu mà còn liên quan đến biến cố Thánh Gia thoát chạy sang Ai Cập lánh nạn nữa, một biến cố lánh nạn xẩy ra ngay sau sự kiện ba chiêm vương gia Đông phương đến bài thờ Hài Nhi Giêsu, "vua của người Do Thái mới sinh" (Mathêu 2:2).  

Nghĩa là biến cố tị nạn sang Ai Cập sau biến cố ba chiêm vương gia Đông phương tìm đến triều bái Hài Nhi Giêsu có liên quan đến thành phần dân ngoại, tức liên quan đến vai trò cứu độ của Hài Nhi Giêsu, một nhân vật lịch sử tuy mang huyết thống Do Thái nhưng mang sứ mệnh cứu độ chung nhân loại là loài tạo vật có bản tính đã bị hư hoại bởi nguyên tội nhưng đã được Người mặc lấy và sử dụng như phương tiện và bí tích cứu độ trần gian. 

Nếu biến cố ba chiêm vương gia đông phương theo ngôi sao lạ tìm đến bài thờ Hài Nhi Giêsu là "vua của người Do Thái mới sinh" tiêu biểu cho lòng con người khao khát thần linh và mong đợi một Đấng Tối Cao của mình, thì biến cố Hài Nhi Giêsu từ đất Do Thái sang nước Ai Cập tiêu biểu cho hành động thần linh như muốn đáp ứng nguyện vọng cứu độ của con người.  

Nếu "Lời đã hóa thành nhục thể và ở giữa chúng ta" (Gioan 1:14) nơi Hài Nhi Giêsu thì nhân vật lịch sử Giêsu Thần Linh này chính là "ánh sáng thật chiếu soi mọi người đã đến trong thế gian" (Gioan 1:9), chiếu soi từ dân Do Thái và từ đất Do Thái.  

Đó là lý do, "được Thánh Thần thúc giục", vị tư tế lão thành Simeon trong Bài Phúc Âm hôm nay chẳng những đã tự động "vào đền thờ" ngay chính lúc "cha mẹ bồng trẻ Giêsu đến để thi hành cho Người các nghi thức theo luật dạy", mà còn nhận biết ngay Con Trẻ Thần Linh này nữa và nói những lời tiên tri hoàn toàn chính xác về thân phận của Người cũng như của Mẹ Người: "Chính mắt con đã thấy ơn cứu độ mà Chúa đã sắm sẵn trước mặt muôn dânlà ánh sáng đã chiếu soi các lương dân, và vinh quang của Israel dân Chúa". 

Tuy nhiên, vị tư tế lão thành hằng trông đợi Đấng Thiên Sai mà ông bấy giờ đã được diễm phúc "ẵm lấy Người trên cánh tay mình" không phải chỉ dừng lại ở chỗ nhận biết mà còn nói tiên tri về việc thực hiện ơn cứu độ này nữa, để nhờ đó mang lại phần rỗi cho "muôn dân" hay "lương dân", đó là: "Con Trẻ này được đặt lên, khiến cho nhiều người trong Israel phải sụp đổ hay được đứng dậy, và cũng để làm mục tiêu cho người ta chống đối".  

Mà quả thực đã xẩy ra đúng như vậy, với biến cố đầu tiên là "Con Trẻ này" vừa mới được sinh ra còn non nớt đã phải thoát chạy sang Ai Cập, một thoát chạy có vẻ thua kém và đầu hàng trước quyền lực của trần gian, không thể tự cứu được mình, nhưng lại là một thoát chạy mang ý nghĩa "chiếu soi các lương dân" nơi đất nước Ai Cập là quốc gia tiêu biểu vốn có một liên hệ mật thiết với lịch sử cứu độ của dân Do Thái trong Cựu Ước.  

Và trong cuộc thoát chạy của "Con Trẻ này", cho dù có được Bõ Giuse của Người đóng vai chính thực hiện chăng nữa, nhưng phải nói chỉ có Mẹ của Người, một đệ nhất tạo vật về ân sủng, một tạo vật thân mật với Người nhất, hơn hết mọi tạo vật, hiểu Người nhất và kính mến Người nhất, không có một tạo vật nào sánh bằng, mới đau khổ nhất, đau khổ hơn ai hết, đau khổ khôn cùng khi thấy "Con Đấng Tối Cao... Con Thiên Chúa" (Luca 1:32,35) của mình còn non nớt như vậy mà đã bắt đầu phải chịu cuộc khổ nạn cứu chuộc của Người, một cuộc khổ nạn và tử giá sau này chính Mẹ sẽ đồng công cộng tác khi đứng dưới chân thập giá của Người (xem Gioan 19:25), quằn quại khổ đau "như bị gươm sắc thâu qua lòng", đúng như lời của vị tư tế lão thành Simeon tiên báo trong Bài Phúc Âm hôm nay.  

Bài Đọc 1 hôm nay, được trích từ Thư 1 của Thánh Gioan, tiếp ngay sau Bài Đọc 1 hôm qua, Lễ Các Thánh Anh Hài, cũng cho thấy ý nghĩa của Lễ Các Thánh Anh Hài có liên quan đến hôm nay và ngày mai, vì ngày mai phụng vụ Lời Chúa vẫn tiếp tục cả Bài Đọc 1 hôm nay lẫn Bài Phúc Âm hôm nay. 

Căn cứ vào mối liên hệ về phụng vụ Lời Chúa từ hôm qua đến hôm nay trong Tuần Bát Nhật Giáng Sinh thì câu chính yếu của Bài Đọc 1 hôm nay là câu "tối tăm đang qua đi, và sự sáng đã soi đến rồi. Ai nói mình ở trong sự sáng, mà lại ghét anh em mình, thì vẫn còn ở trong tối tăm. Ai thương yêu anh em mình, thì ở trong sự sáng, và nơi người ấy không có cớ vấp phạm. Còn ai ghét anh em mình, thì ở trong tối tăm, đi trong tối tăm và không biết mình đi đâu, vì tối tăm đã làm mù mắt họ". 

"Sự sáng đã soi đến rồi" đây chính là "Lời đã hóa thành nhục thể và ở giữa chúng ta" (Gioan 1:14) nơi Hài Nhi Giêsu, và vì thế đã làm cho "tối tăm đang qua đi", (chứ không phải là đã qua đi). "Tối tăm đang qua đi" là vì những ai tin vào Người, không phải chỉ ở chỗ "nhận biết Người" và "chấp nhận Người" (Gioan 1:10-11) nơi Phép Rửa theo nghi thức, mà nhất là còn phải sống bác ái yêu thương nữa, bằng không họ "vẫn còn ở trong tối tăm", vì Người không phải chỉ là "ánh sáng thế gian" chiếu soi vậy thôi mà là "ánh sáng sự sống / ánh sáng ban sự sống" (Gioan 8:12): "Thày là đường, là sự thật và là sự sống" (Gioan 14:6).  

Đó là lý do "người môn đệ được Chúa Giêsu yêu" (Gioan 19:26; 20:2; 21:7,20) đã chí lý nhắc nhở và huấn dụ các Kitô hữu môn đệ Chúa Kitô là thành phần chứng nhân của Người, "là ánh sáng thế gian" (Mathêu 5:14) phản ảnh Người "là ánh sáng thế gian" rằng: "Ai nói mình ở trong sự sáng, mà lại ghét anh em mình, thì vẫn còn ở trong tối tăm. Ai thương yêu anh em mình, thì ở trong sự sáng, và nơi người ấy không có cớ vấp phạm. Còn ai ghét anh em mình, thì ở trong tối tăm, đi trong tối tăm và không biết mình đi đâu, vì tối tăm đã làm mù mắt họ". 

Vì "Lời đã hóa thành nhục thể và ở giữa chúng ta" (Gioan 1:14) nơi Hài Nhi Giêsu, "là ánh sáng đã chiếu soi các lương dân" như thế mà "toàn thể địa cầu... hãy loan truyền ơn Người cứu độ", đúng như cảm nhận hân hoan chúc tụng của Bài Đáp Ca hôm nay:   

1) Hãy ca mừng Thiên Chúa bài ca mới. Hãy ca mừng Thiên Chúa, hỡi toàn thể địa cầu. Hãy ca mừng Thiên Chúa, hãy chúc tụng danh Người.  

2) Ngày ngày hãy loan truyền ơn Người cứu độ. Hãy tường thuật vinh quang Chúa giữa chư dân, và phép lạ Người ở nơi vạn quốc. 

3) Vì mọi chúa tể của chư dân là hư ảo, nhưng Thiên Chúa đã tác tạo trời xanh. Sáng láng và oai nghiêm toả trước thiên nhan, uy hùng và tráng lệ phủ trên ngai báu. 
 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL. Nếu có thể xin nghe chia sẻ theo cảm hứng hơn là đọc lại bài chia sẻ trên

Ngay.29-12.mp3  

 29/12 Thánh Tôma Becket, giám mục, tử đạo (1118-1170)

 

Thánh Toma Becket sinh ra tại Luân Đôn năm 1118. Cha Ngài, ông Gibert Becket, là một hiệp sĩ người Normandy, đã trở thành thương gia giàu có ở Luân Đôn. Mẹ Ngài cũng là người Normandy. Ngài có ít là hai chị em mà một người sau này làm tu viện trưởng Barking. Ngài thừa hưởng từ người mẹ lòng đạo đức, lòng sùng kính Đức Mẹ và lòng quảng đại đối với người nghèo khó. Từ người cha, Toma Becket thừa hưởng một tính khí kiêu hùng và cương quyết. Dáng người cao ráo, đẹp trai, hấp dẫn và thông minh. 

Ngài theo học ở cả hai trường đại học Luân Ðôn và Paris. Sau cái chết của người cha, gia đình bị khánh tận, Ðức Tổng Giám mục Canterbury, là người đã từng sai ngài đến Rôma một vài lần, đã cấp dưỡng và cho ngài theo học giáo luật. Năm 1154 ngài lên chức Tổng Phó tế, phục vụ cho Giáo phận Canterbury. Sau khi theo học tại Oxford, Đức Tổng giám mục Cantebury là Thaobald đã triệu mời Ngài làm quản trị, lo những chuyện liên hệ với Roma. 

Năm 1155, lúc mới 37 tuổi, ngài được Vua Henry II - là bạn ngài - chọn làm Thủ tướng nước Anh, là nhân vật quyền thế thứ nhì, chỉ sau nhà vua. Lúc đó, Ngài nổi tiếng vì lối sống xa hoa và phung phí, Ngài thường khoe khoang, ngựa giòng chim ưng, chó quí là bạn thân của Ngài. Bù lại sự xa hoa này, Ngài đã tỏ ra quảng đại nhiều với những hy sinh thầm kín. Ngài cũng rất hiếu chiến và dùng đến các quyền hạn của hoàng tử mình, Ngài đã tỏ ra có giá trong một trận chiến gần Toulouse. Ngài còn tự lượng sức trong một trận chiến đấu đơn với một hiệp sĩ danh tiếng người Pháp. 

Tổng giám mục Theobald qua đời, và Toma được chọn làm kế vị bất kể sự chống đối Chúa hàng giáo sĩ khi thấy "một người thế tục và ồn ào như vậy" được đưa lên tòa giám mục. Vua Henry chọn ngài làm Giám mục Chính tòa Canterbury thì cuộc đời ngài thay đổi hoàn toàn. Trong khi đó, chính Toma Becket đã tiên báo cho nhà vua biết rằng: - "Thưa Ngài, nếu Chúa cho phép tôi làm Tổng giám mục Canterbury, tôi sẽ hết được Ngài sủng ái. Ngài sẽ đòi tôi nhiều điều, và Ngài đã làm nhiêu điều chống lại Giáo hội mà tôi sẽ không thể chịu nổi. Tình cảm của Ngài sẽ sớm đổi thành thù hận không chấm dứt nổi. 

Nhưng nhà vua vẫn muốn thấy Ngài lên ngai giám mục. Ngày 3 tháng sáu năm 1162, Toma Becket đã thụ phong linh mục và ngày hôm sau được tấn phong giám mục. Kẻ nô bộc của các hoàng tử đã trở thành nộ bộc của Giáo hội, và chỉ còn muốn giữ vẻ xa hoa bên ngoài, Ngài trở nên khiêm tốn hơn, mặc áo nhặm, tha thiết yêu thương kẻ nghèo và xa cách đối với người giàu. Những nhưng điều lo ngại của thánh nhân không tự biện minh mãi được. Các hiệp sĩ gọi Ngài là kẻ bội phản. Toma Becket đã trả lời cho một người trong bọn họ : "Nếu đôi tay này không phải là đôi tay của một linh mục thì ông phải biết". 

Vua Henri II bóp nghẹt sự tự do của các tác viên Giáo hội, muốn bắt chàng giáo sĩ nước Anh phải phục thẩm quyền các tòa án hoàng gia, tước đoạt kho tàng của dân nghèo. Trước ý muốn của nhà vua, các vị giám mục ngập ngừng, nhiều vị khứng chịu. Nhưng Tổng giám mục Canterbury không để mình bị quyến rũ. Tức giận, nhà vua triệu vời các giám mục vương quốc lại. 

Trong căn phòng tụ họp, hiện ra những con người mang khí giới như s ẵn sàng tiêu diệt các Ngài. Các giám mục và các lãnh Chúa kinh hoàng khấn nài xin vị giáo chủ nhượng bộ. 

Để cứu những người chung quanh, Toma Becket như nửa ưng thuận, đã xin hoãn lại để nghiên cứu vấn đề. Ngài viết thư cho đức Thánh Cha xin phán định. Đức Thánh Cha đã kết án tất cả những ai đã phát thệ. Thế là Toma Becket đã rút lại lời một cách cao thượng. Nhà vua bắt bớ Ngài. Đáp lại các lời tố cáo, Ngài tỏ ra cương quyết và luôn giữ được tâm hồn thanh thản. Thất vọng nhà vua hô hoán : - "Hoặc là ta mất ngôi, hoặc là con người ấy không còn là tổng giám mục nữa". 

Trong một công đồng ở Nerthampton năm 1164, Ngài lại tỏ ra chống đối và khi bị đe dọa đếng mạng sống hoặc tù tội. Một đêm kia, Ngài đã tàng hình để thoát thân. Lang thang nhiều ngày, Ngài tới bờ biển và được một thuyền đánh cá tiếp nhận Ngài đang lúc mệt nhọc đến đứt hơi và đưa qua Pháp. 

Vua Lu-y VII đã hân hạnh tiếp đón vị tổng giám mục Caterbury, ông nói : - "Nước Pháp có thói quen nuôi dưỡng bảo vệ những người chịu đau khổ, nhất là những người bị lưu đày vì công chính". 

Vị giáo chủ lưu ngụ tại tu viện Pontiguy và tăng gấp nếp sống khắc khổ, đến nỗi có thể nói được đây là cuộc "Hoán cải thứ nhì, từ đạo đức tới thánh thiện". Ngài có giờ để cầu nguyện và suy gẫm. Ngài tuân theo luật và nếp sống của tu viện. Dầy vậy cuộc trả thù của nhà vua vẫn tiếp tục. Cha mẹ và bạn hữu Ngài bị tước hết tài sản, bị trục xuất tới số 400 người. Họ buộc lòng phải đến với Ngài, làm thành một đoàn người đáng thương. Toma Becket rất nhiệt thành năng đỡ người nghèo. Lần này bất lực vì không thể giúp đỡ được những người thân yêu nhất đang bị khổ cực vì mình. Sau cùng, vua Henri loan báo là sẽ tiêu diệt mọi nhà dòng Xitô, nếu một nhà dòng Xitô nào còn tiếp tục dung duõng Ngài. Toma Becket liền đến một nữ tu viện Bênedictô ở Sens. Những năm tháng đau khổ và trơ trọi nối tiếp nhau. 

Trong khi đó, nhà vua bị Đức Thánh Cha đe dọa, tỏ ra muốn giao hòa với vị Tổng giám mục vào những tháng cuối cùng năm 1169. Một thứ hòa hoãn chẳng dễ gì. Nhưng vị giáo chủ đã nói với những người muốn ngăn cuộc hồi hương của mình rằng : - "Dù có biết chắc mình sẽ bị chặt thành trăm mảnh, tôi vẫn trở về. Đã sáu năm rồi, đoàn chiên của tôi vắng bóng chủ chăn". 

Ngài tạo thêm nhiều thù địch khi đưa ra những sắc lệnh huyền chức những vị giám mục muốn chống đối lại Ngài. Khi tới Canterbury, dân chúng chen lẫn nhau giữa những khúc thánh ca và những hồi chuông đổ dồn để đến lãnh phép lành của Ngài. Những lời đầu tiên Ngài nói trên tòa giảng là : - "Tôi đã tới để chịu chết giữa anh em". 

Nhà vua tức giận với cuộc trở về khải hoàn này của Toma Becket, một con người không thể lay chuyển trong mọi việc bảo vệ những quyền tự do của Giáo hội. Người ta nghe thấy vua Henri kêu lớn : - "Không có được lấy một người trong số những kẻ hèn ta nuôi dưỡng đây gỡ cho chúng ta người giáo sĩ ngạo mạn này sao ?" 

Khi ấy có bốn hiệp sĩ đi Canterbury. Họ gặp vị giáo chủ trong căn phòng gần nhà thờ chính tòa với các linh mục và tu sĩ. Họ nhục mạ Ngài, nhưng Ngài nói : - "Đừng mất thời gian đe dọa tôi. Để sát cánh chiến đấu, các người sẽ thấy tôi luôn luôn ở trong trận chiến của Chúa". 

Các hiệp sĩ hùng hổ đi ra. Các giáo sĩ trách Ngài làm cho họ phải chết. Toma Becket không trốn tránh, Ngài nói với họ : - "Tất cả chúng ta hoặc phải chết. Đừng để sự sợ hãi làm cho chúng ta xa rời sự công chính. Tôi sẵn sàng chết vì tình yêu Chúa mà những người này giết tôi không phải vì tình yêu như vậy". 

Và khi nghe bước chân và tiếng kêu của các hiệp sĩ có võ trang, Ngài leo lên thang nhà thờ chính tòa Ngài nói: - "Tôi ra tiền tuyến". 

Trả lời cho những lăng nhục, Ngài nói: - "Tôi không phải là kẻ phản bội, nhưng là một linh mục. Tôi sẵn sàng vì Danh đấng đã lấy máu cứ chuộc tôi ... Nhưng vì Danh Thiên Chúa, đừng động tới những người này của tôi". 

Dựa lưng vào cột, Đức Tổng giám mục chống lại những người muốn đưa Ngài đi, đẩy những người tấn công ngã soài xuống đất : "Tôi không đi đâu hết, hãy làm việc đó ở đây đi".

Những người khác ngập ngừng. Vị tử đạo lớn tiếng phú mình cho Chúa và Giáo hội : "Lạy Chúa, con phó linh hồn con trong tay Chúa". 

Hai nhát gươm tiếp liền. Toma Becket ngã xuống miệng còn nói : - "Vì danh Chúa Giêsu và vì Giáo hội, tôi bằng lòng chịu chết". Và Ngài nằm chết cạnh bàn thờ. 

Trong kịch bản "Cuộc thảm sát trong nhà thờ chính tòa", xuất bản năm 1935, văn sĩ Thomas Eliot đã dựng lại cuộc tử đạo của thánh Thomas Becket như sau:

Khi được báo tin là những kẻ muốn giết ngài đang kéo đến nhà thờ chính tòa, từ trong thánh đường, ngài đã ra lệnh cho những người trung thành với ngài như sau: "Hãy kéo cửa lên, hãy mở rộng cửa ra, tôi không muốn rằng nơi cầu nguyện và là cung thánh phải biến thành một pháo đài. Nhà thờ bảo vệ các tín hữu theo cách thế của nó, chứ không như gỗ đá, bởi vì gỗ đá sẽ sụp đổ, còn nhà thờ thì tồn tại, nhà thờ cần phải được mở ra, ngay cả cho kẻ thù, anh em hãy mở rộng cửa".

Khi thấy một số người còn chần chờ và muốn tử thủ, ngài đã khuyên mọi người hãy có cái nhìn siêu nhiên và chiến đấu bằng khí giới siêu nhiên, ngài nói:"Chúng ta đã chiến đấu chống lại quái vật và chúng ta đã chiến thắng, chúng ta cần phải chinh phục duy chỉ bằng sự đau khổ mà thôi. Đây là chiến thắng dễ dàng nhất, đây là giờ khải hoàn của Thập Giá, tôi ra lệnh cho anh em hãy mở cửa".

Cuộc tử đạo của thánh Tôma Becket như được ghi lại trên đây nêu bật ý nghĩa đích thực của mọi cuộc tử đạo: tử đạo là chết vì yêu thương và yêu thương ngay cả kẻ thù của mình. Thánh Becket đã muốn nói lên ý nghĩa ấy khi kêu gọi những kẻ trung thành với ngài hãy mở cửa nhà thờ chính tòa. Ngài đã nói:"Nhà thờ cần phải được mở ra ngay cả cho những kẻ thù của chúng ta"

Trước cái chết anh dũng của Đức Tổng Giám mục Tôma Becket, Vua Henry II hối hận, tổ chức lễ quốc tang cho ngài. Nhà vua đã thống hối công khai bên mộ Ngài và những gì khiến thánh nhân chịu khổ đã được sua sai nhờ cái chết của Ngài. nhưng người kế vị là Henry VIII đã chiếm đoạt ngôi mộ ấy, và tẩu tán các thánh tích của ngài. Chỉ ba năm sau (1173), ngài được phong thánh và ngôi mộ của ngài trở thành điểm hành hương của Anh Quốc. Cái chết của Đức tổng giám mục làm chấn động lương tâm toàn thể Chân Au. Các phép lạ được phổ biến trên mộ Ngài. Đức Alexander III năm 1173 đã phong Ngài làm thánh tử đạo. Canterbury trở thành nơi hành hương thứ nhì sau Rôma. 

Đaminh Maria cao tấn tĩnh, tổng hợp 

 ThanhTomaBecket.mp3 

 https://youtu.be/sphT43g03Qc